Nhiều địa phương ở miền Tây đang xảy ra tình trạng rác thải dồn ứ gây ô nhiễm môi trường, thiếu nhà máy xử lý, người dân bức xúc.
Trưa đầu tháng 8, bãi rác Phương Thạnh ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, rộng 1,4 ha nhưng chứa hàng chục nghìn tấn rác, chất cao như núi. Mùi hôi ở bãi bốc lên nồng nặc, nước rỉ đen ngòm tràn ra khu vực bên ngoài.
Ông Thạch Ngọc Giang Sơn (ngụ xã Phương Thạnh) cho biết, bãi rác này có hơn 10 năm trước. Từ đó đến nay hàng chục hộ dân sống quanh khu vực này chịu ảnh hưởng trực tiếp. Học sinh tại trường cách bãi rác vài trăm mét thường hít phải mùi hôi thối khi có gió lùa qua.
Tỉnh Trà Vinh có 18 bãi, khu trung chuyển rác trên địa bàn các huyện, cụm xã. Mỗi ngày, toàn tỉnh có khoảng 450 tấn rác thải sinh hoạt nhưng nhà máy xử lý chưa đến 50 tấn. Tình trạng rác tồn đọng kéo dài gây ô nhiễm môi trường, người dân nhiều lần bức xúc, phản ứng.
Tương tự, bãi rác Hòa Phú ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cũng trong tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường. Bãi rác quy mô 47 ha được đưa vào sử dụng từ năm 1997, gồm bốn khu chứa rác và các công trình phụ trợ như đường dẫn, đê bao, hồ chứa nước rỉ...
Năm 2013, một doanh nghiệp đầu tư 200 tỷ đồng xây nhà máy xử lý rác làm phân vi sinh với công suất 300 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên nhà máy chỉ hoạt động khoảng 6 tháng thì đóng cửa. Năm 2016, nhà máy hoạt động trở lại và chuyển sang phương án đốt rác, nhưng chỉ cầm cự được vài tháng rồi ngưng với lý do tiền thu từ xử lý rác không đủ chi phí vận hành.
Hiện mỗi ngày, bãi rác Hòa Phú tiếp nhận khoảng 350 tấn rác thải, nhưng chủ yếu dùng biện pháp chôn lấp. Hai khu chứa số 1 và 2 đã đầy với hàng trăm nghìn tấn. Khu số 3 có sức chứa 200.000 tấn đang tiếp nhận rác, dự kiến sẽ đầy vào tháng 6/2024.
Vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc ra từ bãi rác Hòa Phú bao trùm các khu vực lân cận. Còn khi trời mưa, lượng nước thải rỉ ra môi trường xung quanh, ảnh hưởng cuộc sống, sản xuất của dân địa phương. Nhiều người đã gởi đơn đề nghị cơ quan chức năng tỉnh có giải pháp khắc phục.
Ở Bến Tre, nhà máy rác xã An Hiệp ở huyện Ba Tri rộng khoảng 5 ha, hoạt động từ hơn 10 năm trước, mỗi ngày tiếp nhận 30-40 tấn rác. Gần hai năm nay, nhà máy rác tại xã Hữu Định tại huyện Châu Thành đóng cửa do không đảm bảo các điều kiện về môi trường. Vì thế rác từ huyện Châu Thành và TP Bến Tre tập trung vào bãi rác An Hiệp từ 120-150 tấn mỗi ngày.
Lượng rác quá tải, trong khi hạ tầng xử lý nước thải, mùi hôi, tường bao quanh chưa đảm bảo khiến khu vực xung quanh ô nhiễm. Từ ngày 15/7, hơn 100 hộ dân tại hai xã An Đức, An Hiệp lập chốt cách nhà máy 500 m ngăn chặn xe chở rác vào. Chính quyền nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân nhưng bất thành.
Còn tại Bạc Liêu, bãi rác lớn nhất tỉnh, rộng 2 ha, hoạt động 14 năm với công suất tiếp nhận mỗi ngày hơn 100 tấn. Đến nay hàng trăm nghìn tấn rác ở bãi chất cao khoảng 15 m, vượt sức chứa bốn lần. Do thường xuyên quá tải, bãi rác bốc mùi hôi lan đến các khu dân cư.
Hiện, mỗi ngày toàn tỉnh Bạc Liêu thải ra hơn 400 tấn rác. Trong khi địa phương chỉ có hai lò đốt rác tập trung tại huyện Đông Hải, Phước Long (công suất lò đốt 0,5 tấn mỗi giờ) và các bãi chôn lấp tại huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình và thị xã Giá Rai. Tất cả đều không đảm bảo về vấn đề môi trường.
Lượng rác tăng nhanh trong khi nhà máy công suất quá nhỏ dẫn tới ô nhiễm là tình trạng chung của nhiều tỉnh miền Tây. Vì vậy một số địa phương tìm kiếm, huy động vốn để xây dựng các nhà máy xử lý rác.
Ông Nguyễn Bình Thuận, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bạc Liêu, cho biết năm 2014, tỉnh đã cấp phép đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác, công suất 245 tấn rác mỗi ngày cho Công ty TNHH MTV ANA Bạc Liêu. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, nhà đầu tư triển khai ì ạch đã bị rút giấy phép.
Sau đó, dự án nhà máy xử lý rác được khởi động lại và Công ty TNHH Sa Mạc Xanh trúng thầu. Tháng 5/2019, lễ khởi công nhà máy được tổ chức nhưng từ đó đến nay, đơn vị này chưa xây dựng. Mới đây lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ kêu gọi xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 200 tấn mỗi ngày.
Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh, vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây nhà máy đốt rác ở huyện Long Hồ. Công trình có tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, xây trên diện tích đất hơn 7,63 ha, khả năng xử lý 500 tấn rác mỗi ngày.
Tỉnh Trà Vinh đang kêu gọi đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải rắn trên diện tích khoảng 10 ha, công suất dự kiến 500 tấn mỗi ngày, tại huyện Châu Thành.
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Bến Tre cam kết thời gian một tháng để xử lý dứt điểm các vấn đề về môi trường tại bãi rác xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Ngoài kế hoạch mở rộng bãi rác này thêm 3 ha, địa phương nâng cấp nhà máy xử lý rác của tỉnh lên công suất 320-350 tấn một ngày, hoạt động vào cuối năm 2025.
(Theo: mtcnx.com)