Các nhà khoa học khẳng định chất thải do các phương tiện giao thông tạo ra tại các thành phố có thể tác động xấu tới hoạt động của não.
Không khí ô nhiễm bởi phương tiện giao thông gây tác động xấu hoạt động tư duy ở người lớn tuổi. Ảnh: National Geographic.
Melinda Power, một tiến sĩ làm việc tại Đại học Y tế cộng đồng Harvard tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp tìm hiểu tác động của ô nhiễm không khí đối với hoạt động tư duy của người. Họ tuyển 680 nam giới trong độ tuổi từ 51 tới 97 để thực hiện một thử nghiệm. Họ yêu cầu các tình nguyện viên làm những bài kiểm tra khả năng tư duy, suy luận, Telegraph đưa tin.
Kết quả cho thấy, nồng độ khí CO2 trong không khí cứ tăng gấp đôi thì khả năng tư duy của tình nguyện viên giảm 1,3 lần. Xu hướng này không thay đổi sau khi nhóm nghiên cứu loại trừ các yếu tố liên quan - như trình độ học vấn và địa vị xã hội.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy không khí ô nhiễm bởi phương tiện giao thông gây tác động xấu hoạt động tư duy ở người lớn tuổi", Power phát biểu.
Hỗn hợp khí và các hạt siêu nhỏ do phương tiện cơ giới thải ra gây ô nhiễm không khí. Nhóm nghiên cứu nhận thấy dường như không khí bẩn gây viêm nhiễm và oxy hóa trong não – hai nguyên nhân gây căng thẳng. Họ cũng tìm thấy bằng chứng về việc các hạt siêu nhỏ có thể xâm nhập vào não và gây tê liệt các chức năng thần kinh.
“Khả năng nhận thức giảm ở người già là một vấn đề lớn trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông, đặc biệt là chất thải từ động cơ diesel, có thể đóng một vai trò nào đó", Power nói.
Mặc dù đối tượng nghiên cứu là nam giới, song Power tin rằng kết quả cũng có thể áp dụng được với nữ giới.
Trong một thí nghiệm khác, các nhà khoa học của Đại học Ohio tại Mỹ cho một nhóm chuột phơi nhiễm không khí bẩn do chất thải từ phương tiện giao thông. Sau đó họ huấn luyện chúng một số kỹ năng cùng với một nhóm chuột sống trong môi trường bình thường.
Họ nhận thấy khả năng học và ghi nhớ của nhóm chuột phơi nhiễm không khí bẩn thấp hơn rõ rệt so với nhóm kia. Sự phát triển của tế bào thần kinh trong vùng hải mã – khu vực quyết định khả năng học hỏi và ghi nhớ trong não chuột – của nhóm chuột phơi nhiễm không khí bẩn cũng giảm mạnh.
Laura Fonken, một chuyên gia thần kinh của Đại học Ohio, phát biểu: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phơi nhiễm không khí bẩn trong thời gian dài, hiện tượng phổ biến tại các thành phố lớn trên khắp thế giới, có thể tác động xấu tới khả năng nhận thức của con người và động vật”.
Nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh những hạt siêu nhỏ trong không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng chất thải từ động cơ diesel làm cứng mạch máu, nguyên nhân gây nên cơn đau tim.
Theo VnExpress
(Theo: mtcnx.com)