Công nghiệp Môi trường là gì?
Theo định nghĩa của USEPA: Ngành công nghiệp môi trường bao gồm tất cả các hoạt động mang lại thu nhập gắn liền với (1) sự tuân thủ các quy định luật pháp về môi trường; (2) đánh giá, phân tích và bảo vệ môi trường; (3) kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải và phục sinh các tài sản đã bị ô nhiễm; (4) cung cấp và vận chuyển các tài nguyên môi trường như nước, các vật liệu được thu hồi và nguồn năng lượng sạch; và (5) các công nghệ và các hoạt động góp phần tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên, tăng năng suất sản xuất và tăng trưởng kinh tế bền vững (có khả năng ngăn ngừa ô nhiễm). The environmental industry includes all revenue-generating activities associated with (1) compliance with environmental regulations; (2) environmental assessment, analysis, and protection; (3) pollution control, waste management, and remediation of contaminated property; (4) provision and delivery of the environmental resources of water, recovered materials, and clean energy; and (5) technologies and activities that contribute to increased energy and resource efficiency, higher productivity, and sustainable economic growth (enabling pollution prevention).
Ngành công nghiệp môi trường trên thế giới đã xuất hiện cách đây hơn 4 thập niên. Thế nhưng tại Việt Nam, "công nghiệp môi trường" vẫn là khái niệm hoàn toàn mới mẻ. Sau hàng loạt vụ việc gây bức xúc như Vedan, Miwon, Hào Dương, các vùng đô thị cũng như nông thôn bị ô nhiễm trầm trọng… một đề án phát triển dịch vụ môi trường, bao gồm việc thành lập một tập đoàn công nghiệp môi trường, mới vừa được trình lên Chính phủ...
Đi đâu cũng phải giải thích...
Theo dự thảo Đề án Phát triển dịch vụ môi trường của Bộ Tài nguyên - Môi trường, trong những năm tới, các loại dịch vụ môi trường sẽ được phát triển mạnh nhằm giảm thiểu chất thải, cải thiện chất lượng môi trường sống. Một tập đoàn dịch vụ môi trường Việt Nam sẽ được thành lập với cổ phần chủ yếu của Nhà nước, trong giai đoạn 2009 - 2012, đủ mạnh để giải quyết các vấn đề môi trường lớn của đất nước cũng như cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài trong cùng lĩnh vực.
Ông Lê Minh Đức, Trưởng phòng Công nghiệp môi trường và Phát triển bền vững, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp cho biết, ngành công nghiệp môi trường trên thế giới có từ rất sớm, xuất hiện ở Mỹ từ những năm 1960. Hiện tại, ngành công nghiệp này rất đa dạng, phát triển ở nhiều nước. Đây là ngành công nghiệp có thiên hướng dịch vụ, trong đó doanh nghiệp chuyên trách chịu trách nhiệm cung ứng một hay nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ trong lĩnh vực hoạt động môi trường, như quản lý chất thải, thiết bị công nghệ môi trường, quản lý tài nguyên... Năm 1992, giá trị thị trường công nghiệp môi trường thế giới ước khoảng 300 tỷ USD. Năm 1996, con số này tăng lên 453 tỷ USD và tăng 628,5 tỷ USD năm 2004, dự báo sẽ đạt khoảng 688 tỷ USD vào năm 2010. Các nước Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản… chiếm hầu hết thị phần, trong đó Mỹ chiếm tới 38%. Trong nhóm dịch vụ, hoạt động xử lý chất thải rắn và nước thải chiếm tỷ lệ cao nhất, lần lượt là 24% và 14%. Theo thống kê, thế giới hiện có khoảng 350.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam, công nghiệp môi trường vẫn là khái niệm hoàn toàn mới mẻ đối với người dân, doanh nghiệp, thậm chí ngay cả các chuyên gia. "Sự lệch lạc nằm ngay ở nhận thức. Hầu như đi đâu tôi cũng phải giải thích thế nào là công nghiệp môi trường? công nghiệp môi trường là cái gì? Nhầm lẫn phổ biến nhất là nhiều nơi cứ đánh đồng công nghiệp môi trường với công nghệ môi trường, trong khi công nghệ môi trường chỉ là một công cụ của ngành công nghiệp này", ông Lê Minh Đức phân trần.
Những nguy cơ định lượng được
Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, trung bình trong 10 năm, nếu tổng GDP tăng 2 lần, mức độ ô nhiễm sẽ tăng lên 5 lần. Theo một khảo sát gần đây, ô nhiễm môi trường hằng năm đã khiến Trung Quốc thiệt hại 3,8% GDP (tương đương 100 tỷ USD), Mê-hi-cô mất khoảng 12% GDP... Riêng Việt Nam, nhiều chuyên gia ước tính, 10 năm tới, khi GDP của đất nước tăng gấp đôi, nếu không có giải pháp thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng 3 lần, đến năm 2020 có thể gấp 4 đến 5 lần mức độ ô nhiễm hiện nay. Tổn thất kinh tế do ô nhiễm công nghiệp tác động tới sức khỏe con người ở Việt Nam hiện vào khoảng 0,3% GDP, tăng lên tới 1,2% GDP năm 2010. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, nhu cầu đầu tư bảo vệ môi trường tại 18 ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến môi trường như rượu, bia, nước giải khát, thủy sản, giấy, dệt may, thép... lên tới 120.000 tỷ đồng, tương đương 7,6 tỷ USD. Ô nhiễm đô thị cũng đặt ra nhiều vấn đề khi nhu cầu bảo vệ môi trường đô thị tại 20 tỉnh, thành phố (diện khảo sát) cần tới 85.000 tỷ đồng...
Đấy là những thiệt hại và nhu cầu đầu tư có thể định lượng được. Tuy nhiên, đến nay hầu hết doanh nghiệp vẫn "thờ ơ". Theo "chỉ tiêu", đến năm 2010, 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng... mới phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; cũng mới chỉ trên 50% cơ sở sản xuất kinh doanh "phải" đạt tiêu chuẩn về môi trường; 50% số đô thị đạt loại 4 "mới phải" có hệ thống xử lý nước thải... Việc xử lý hàng loạt vụ ô nhiễm nghiêm trọng thời gian qua như Vedan, Miwon... đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Riêng tại Hà Nội, chỉ có 3/9 khu công nghiệp "chịu" xử lý nước thải, còn lại xử lý đơn giản, không đúng cách, xả thẳng... Môi trường không khí tại Hà Nội cũng chứa rất nhiều chất độc hại…
Vừa chế tài vừa khuyến khích
Trong khi tại các nước phát triển, nhu cầu dịch vụ liên quan đến kiểm soát ô nhiễm, làm sạch, khôi phục môi trường có xu hướng giảm và thay thế bằng các dịch vụ tư vấn môi trường, thiết kế sản phẩm sinh thái, đánh giá rủi ro... thì tại các nước đang phát triển, công nghiệp môi trường vẫn đang loay hoay với các vấn đề như chi tiêu công cho cấp nước, xử lý nước thải, thu gom, tái chế rác thải, khắc phục ô nhiễm và xử lý rác thải khu vực tư nhân... Việt Nam không là ngoại lệ. Ông Lê Minh Đức đánh giá: Công nghiệp môi trường Việt Nam chưa chính thức, nhỏ lẻ, với xuất phát điểm là các công ty vệ sinh môi trường đô thị. Các dịch vụ môi trường cũng khá nghèo nàn.
Trong dự thảo Đề án Phát triển dịch vụ môi trường, dự kiến tổng kinh phí thực hiện lên tới 6.219,5 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách nhà nước, đồng thời huy động các nguồn vốn khác như ODA, vốn từ các chương trình hợp tác quốc tế và các thành phần kinh tế. Vụ Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) khẳng định, việc hình thành và phát triển công nghiệp môi trường, một ngành kinh tế đặc biệt, là rất cần thiết. Vấn đề vướng mắc nhất nằm ở hành lang pháp lý. Ông Đức cho rằng, chính sách chưa đầy đủ, chưa tạo ra động lực, cũng như doanh nghiệp chưa phải chịu sức ép bảo vệ môi trường. Vụ Môi trường cũng kiến nghị Nhà nước cần có nhiều ưu đãi, hỗ trợ trong đầu tư xây dựng cơ sở công nghiệp môi trường, ưu đãi về vốn, thuế, phí, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường... Trên thực tế, chừng nào công nghiệp môi trường có "cầu dịch vụ môi trường", thì lúc đó chúng ta mới có quyền hy vọng được sống trong một môi trường sạch.
EnIDC - Tổng hợp
(Theo: mtcnx.com)