Đến năm 2030, dọc tuyến sông Hậu sẽ hình thành khoảng 23 nhà máy điện. Nếu số nhà máy điện mọc lên đúng kế hoạch, nguồn năng lượng ở ĐBSCL sẽ dồi dào. Tuy nhiên nhiều chuyên gia lo lắng những “tác dụng phụ” từ các nhà máy sẽ uy hiếp vựa lúa ĐBSCL.
Lo ngại vấn đề môi trường từ nhà máy nhiệt điện
Theo quy hoạch các nhà máy điện tại ĐBSCL giai đoạn 2016 – 2030, toàn vùng sẽ có 23 nhà máy, trong đó nhiệt điện than chiếm đến 15 nhà máy, tổng công suất hơn 18.000 MW. Còn lại là các các nhà máy điện turbine khí hỗn hợp, điện gió và điện sinh khối với tổng công suất hơn 4.000 MW.
Bên cạnh những thành tựu sẽ có trong tương lai, các nhà khoa học lo lắng cho môi trường ở ĐBSCL đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nhiều nhà khoa học đặt vấn đề, hàng loạt những thiếu sót trong quy hoạch và xây dựng, các cơ sở pháp lý, quản lý môi trường khi xuất hiện các nhà máy nhiệt điện.
PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng việc tập trung đặt các nhà máy nhiệt điện than ngay tại cửa sông Hậu cần xem xét lại. Nguồn than ở Việt Nam chỉ có ở Quảng Ninh, khá xa đường vận chuyển đến Trà Vinh. Trong khi đó, nguồn than này đang dần cạn kiệt và tương lai sẽ phải nhập than từ Trung Quốc. Ngoài ra các bước trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng thiếu lập luận "vì sao chọn ĐBSCL?".
Theo kế hoạch đến năm 2030, ĐBSCL có đến 23 Nhà máy điện, trong đó có đến 15 nhà máy nhiệt điện. Nếu công tác quản lí về môi trường lỏng lẻo, các nhà máy nhiệt điện này uy hiếm đến vựa lúa ĐBSCL
Theo kế hoạch đến năm 2030, ĐBSCL có đến 23 Nhà máy điện, trong đó có đến 15 nhà máy nhiệt điện. Nếu công tác quản lí về môi trường lỏng lẻo, các nhà máy nhiệt điện này uy hiếm đến vựa lúa ĐBSCL
Nghiên cứu qua các dự án, PGS. TS. Lê Anh Tuấn chỉ ra các bất cập, lỏng lẻo của các nhà quản lý trong công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể: Trong bản nhận xét về chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường của Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải và Dự án Điện gió Bạc Liêu, PGS. TS. Lê Anh Tuấn nêu rõ: báo cáo đánh giá tác động môi trường của Nhiệt điện Duyên Hải phần tham vấn cộng đồng được làm rất sơ sài, mang tính chiếu lệ, đối phó.
Ông Tuấn cho biết, khi trao đổi với người dân trong khu vực, họ than phiền là không được cung cấp các thông tin về tác động của nhà máy lên cuộc sống và sinh kế của họ. Hiện nay, những cộng đồng sinh sống trong khu vực các nhà máy này đang rất bi quan về sinh kế cũng như tương lai sắp tới.
Trong khi đó với Dự án Điện gió Bạc Liêu, PGS. TS. Lê Anh Tuấn đánh giá đây là dự án phù hợp cho quan điểm về năng lượng xanh. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này cơ bản xác định được những tác động và biện pháp giảm thiểu liên quan đến thi công làm ảnh hưởng đến rừng ngập mặn ven biển.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra điểm yếu của báo cáo này là phần tham vấn cộng đồng chỉ có một trang và hoàn toàn không có sự tham gia ý kiến của người dân địa phương...
Hiện nay, ĐBSCL đang căng mình đối mặt với tình trạng hạn, mặn... Nếu thời gian tới bị tác động thêm những tác dụng phụ từ các Nhà máy nhiệt điện nữa sẽ là một thảm họa về môi trường cho ĐBSCL
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID cho biết, kết quả khảo sát trong hai năm 2014 và 2015 của GreenID ở 8 nhà máy nhiệt điện trong cả nước cho thấy những vấn đề rất lớn về môi trường như chất lượng nước, không khí…
Theo bà Khanh, người dân ở khu vực xung quanh các nhà máy đều cho rằng chất lượng nước ở khu vực họ sinh sống đều bị suy giảm và ô nhiễm; hầu hết đều cho rằng do ảnh hưởng của nhà máy nhiệt điện than.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho rằng, thời gian qua rất nhiều dự án gây hậu quả môi trường nghiêm trọng giống như kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”. Ông Thiện đã chỉ ra các lỗi ở các nhà máy nhiệt điện ĐBSCL như: Thiếu đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC); Chất lượng đánh giá tác động môi trường thấp (ĐTM); tham vấn cộng đồng qua loa và thiếu giám sát thực hiện các biện pháp quản lý môi trường sau ĐTM…
Người dân lo lắng
Ghi nhận tại huyện Duyên Hải, Trà Vinh - nơi có nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, đang tác động mạnh tới chính quyền và người dân nơi đây, tất cả đang lo lắng. Các hộ gia đình bị thu hồi đất nuôi trồng thủy hải sản không thể tiếp tục canh tác trên phần đất còn lại mà phải đi thuê đất ở nơi khác để tiếp tục sản xuất. Ngoài ra, các hộ gia đình làm muối cũng giảm năng suất do khói bụi từ việc xây dựng và vận hành thử nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 vào 7/2014.
Bà Ngô Thị Mỏng (61 tuổi, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) sống bằng nghề diêm dân hàng chục năm qua, cho biết: Từ khi có nhà máy đến nay, năng suất muối của gia đình bà bị giảm một nửa do khói bụi của nhà máy nhiệt điện Duyên Hải. Thời điểm vận hành thử nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, khói bụi của nhà máy bay xa làm cho muối bị đen, giá thành sản phẩm giảm xuống gần phân nửa. Thậm chí, có ruộng muối thành phẩm bị đen quá không bán đi được hoặc bán với giá bằng 1/3 giá thị trường...
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải Trà Vinh
Theo ông Nguyễn Văn Giới, Chủ tịch UBND xã Dân Thành (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), từ khi có Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải đóng trên địa bàn, 5 ấp của xã, đều bị ảnh hưởng từ môi trường đến đời sống dân sinh, việc giải quyết nghề nghiệp ổn định cho những người bị thu hồi đất cũng là vấn đề nan giải cho dịa phương.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho biết: ĐTM của 2 nhà máy nhiệt điện trên tham vấn cộng đồng rất sơ sài, không có ý nghĩa. Cụ thể là nhà đầu tư chỉ gửi văn bản đến UBND và UBMTTQ cấp xã mà không tham vấn cộng đồng (nhất là người dân gần khu vực chịu ảnh hưởng) về tác động của nhà máy.
Ông Thiện đưa ra minh chứng cụ thể: Vùng tác động của ống khói từ nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải sẽ đến xã Long Khánh nhưng xã Long Khánh lại không được tham vấn. Ở Dự án Điện gió tỉnh Bạc Liêu cũng tương tự, báo cáo ĐTM chỉ có 1 trang về tham vấn cộng đồng nhưng thực chất là nhà đầu tư chỉ tham vấn UBND Vĩnh Trạch Đông và Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp xã bằng văn bản mà không có tham vấn cộng đồng địa phương…
Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng việc tập trung đặt các nhà máy nhiệt điện than ngay tại cửa sông Hậu là cần xem xét lại.
PGS. TS. Lê Anh Tuấn cho biết, một chuỗi nhà máy công nghiệp độc hại đang hình thành dọc theo sông Hậu, trong đó đáng lưu ý hơn hết là nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang và cụm nhà máy nhiệt điện than Duyên Hải Trà Vinh. Ngoài ra còn có nhà máy nhiệt điện than đang xây dựng ở Sóc Trăng. Cần Thơ đang triển khai dự án sân Golf ở Cần Thơ nằm giữa sông Hậu. Đây là những nơi có nguy cơ cao gây ô nhiễm cực kỳ tệ hại cho nguồn nước vùng Tây Nam Bộ nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người đang sinh sống, gần 1 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và cả hệ sinh thái đất ngập nước đang rất mong manh. Thảm họa môi trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực của Tây Nam Bộ.
Ủy viên Chuyên trách Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Trần Hữu Hiệp cho rằng, nguy cơ của nhà máy điện than rất lớn ở nhiều phương diện, từ nhập khẩu than đến tro xỉ, từ khói bụi đến nguồn nước làm mát mà mỗi trung tâm sử dụng cả triệu khối một ngày rồi thải ra môi trường.
Ông Hiệp cảnh báo: Cần tăng cường giám sát công tác xử lý xả thải, bởi nếu xảy ra sự cố với vựa lúa và thủy sản quốc gia thì hậu quả rất nghiêm trọng.
Theo Nguyễn Hành - dantri.com
(Theo: mtcnx.com)