Nơi lưu giữ những nguồn gen quý hiếm

Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn được thành lập năm 2013, trên cơ sở chuyển đổi khu rừng bảo vệ cảnh quan An Toàn và Lâm trường An Sơn, có diện tích khoảng 22.450 ha, thuộc xã An Toàn, huyện An Lão. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên duy nhất trên địa bàn tỉnh, với nhiều loài động thực vật rừng có nguồn gen đặc hữu của khu vực Đông Dương, các loài đặc hữu Việt Nam, các loài đặc hữu của khu vực Trung bộ và các nguồn gen động vật quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như: Voọc chà vá chân xám, vượn má hung, mang lớn, mang Trường Sơn; các loài thực vật như: Cà te, giáng hương, ngải cau, trầm hương, trắc mật và lan kim điệp…

Đoàn khảo sát thuộc Viện Sinh thái học miền Nam lắp đặt bẫy ảnh để ghi lại hình ảnh động vật hoang dã tại Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Ảnh: SIE

Trong năm 2021, Viện Sinh thái học miền Nam (SIE) phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh thực hiện chương trình điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu, có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Đợt điều tra nhằm thu thập nguồn tư liệu có liên quan đến tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học trong Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn; xác định các nguyên nhân đe dọa đến tài nguyên đa dạng sinh học trong Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn, xác định các chiến lược nhằm bảo tồn và sử dụng hợp lý các hệ sinh thái, và các nhóm loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu cần được bảo tồn, các loài có giá trị kinh tế, đem lại sinh kế cho cộng đồng tại khu vực này.

Kết quả bước đầu khảo sát ghi nhận ít nhất 120 loài thực vật và 86 loài động vật được cộng đồng khai thác và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như: Làm nhà, làm lương thực thực phẩm, cây thuốc, đồ dùng trong gia đình, làm cảnh và bán lấy tiền. Quá trình khảo sát khẳng định tài nguyên đa dạng sinh học đã gắn bó với dân làng từ xưa đến nay.

Th.S Trần Văn Bằng, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết: “Với vị trí khá đặc biệt, An Toàn là nơi lưu giữ mẫu chuẩn của một số hệ sinh thái điển hình khu vực chuyển tiếp từ dãy Trường Sơn xuống đồng bằng ven biển. Trong quá trình điều tra, khảo sát, chúng tôi đã bắt gặp 1 đàn voọc chà vá chân xám khoảng 4 - 6 con; bẫy ảnh cũng ghi lại được nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm. Các loài này đều được ưu tiên bảo vệ và nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Hiện chúng tôi vẫn còn đặt 10 bẫy ảnh để ghi nhận thêm những loài động vật sinh sống tại Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn”.

Sớm có kế hoạch bảo tồn

Có một thực tế là gần như toàn bộ người dân An Toàn đang sống dựa vào rừng. Hiện nay, một số loài thực vật được thu hái với số lượng lớn để bán, nhưng không được hướng dẫn kỹ thuật khai thác hoặc quản lý trong khai thác nên làm sản lượng loài giảm đi đáng kể.

Một số người dân tại đây cho biết, thu hái theo cách bền vững rất mất thời gian, trong khi họ đã phải đi rất xa để tìm và người mua gom sẽ mua tất cả những gì họ lấy được. Người dân đã phải thu hái thật nhanh và thu hái được tất cả các loại họ nhìn thấy được trên đường đi để kiếm được nhiều và trở về nhà trong ngày. Bên cạnh đó, thói quen chăn thả gia súc trong rừng có thể gây ảnh hưởng như lây bệnh cho các loài sống trong môi trường tự nhiên.

Nguồn thu nhập chính của các hộ dân vùng lõi bao gồm trồng trọt (lúa, mì, bắp), chăn nuôi, làm thuê, bảo vệ rừng theo giao khoán và khai thác tài nguyên rừng. Đất cho sản xuất nông nghiệp còn ít, thiếu việc làm... là những nguyên nhân gây nên tình trạng kinh tế khó khăn ở cộng đồng dẫn đến người dân phải phụ thuộc phần lớn vào rừng.

Từ khi Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn được thành lập đến nay, nhiều lớp tập huấn cho người dân đã được mở, nhằm hướng dẫn kỹ thuật khai thác, quy hoạch khu vực khai thác và quy định chuẩn loại trong thu mua nhằm duy trì nguồn tài nguyên lâu dài. Trong năm 2019 - 2020, Sở TN&MT đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình thí điểm truyền thông môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học cấp xã tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn”, với đối tượng trực tiếp là người dân trên địa bàn xã An Toàn… Điều đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, để công tác bảo tồn thực sự có hiệu quả, cần tìm đầu ra ổn định và tạo thương hiệu cho các sản phẩm tại An Toàn, nhằm tăng giá trị của các sản phẩm và góp phần cho việc khai thác bền vững. Cần hỗ trợ về vốn để người dân phát triển ngành nghề, tăng thu nhập như: Gây trồng và chế biến dược liệu, song mây, chè dây, nuôi ong lấy mật…

Th.S Trần Văn Bằng đề xuất: Cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước, chính quyền địa phương để giúp việc sản xuất nông nghiệp của cộng đồng mang lại năng suất cao hơn. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho các cộng đồng dân cư về những mô hình sản xuất nông lâm tiên tiến, hiệu quả nhằm tạo nên những nguồn thu nhập chính đáng, ổn định, giảm bớt sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng.

Ngoài ra, cần xây dựng một cơ chế đồng quản lý chia sẻ bền vững tài nguyên rừng với cộng đồng và triển khai một số mô hình thí điểm về nuôi trồng động thực vật hoang dã tại địa phương. Đồng thời, khuyến cáo về các phương thức khai thác mang tính hủy diệt cần thay thế bằng phương thức bền vững hơn… 

(Theo: mtcnx.com)