Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học cảnh báo rằng thế giới có thể rơi vào tình trạng đầy nguy hiểm. Nguyên nhân là bởi con người chưa giải quyết tốt những ảnh hưởng của cuộc biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu cho thấy trong tổng số 35 dấu hiệu hữu ích theo dõi sự thay đổi của khí hậu, có tới 20 dấu hiệu đã chạm tới mức cực đoan kỷ lục.
20 dấu hiệu này bao gồm các phép đo liên quan đến nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất, mức độ nhiên liệu hóa thạch, mực nước biển và độ che phủ của rừng toàn cầu.
Các nhà khoa học nhận thấy trước năm 2.000, nhiệt độ trung bình toàn cầu chưa bao giờ ở mức cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thế nhưng chỉ tính riêng năm 2023, đã có 38 ngày đã vượt quá ngưỡng "tới hạn". Theo báo cáo, tháng 7 năm nay là tháng nóng nhất trong vòng 100.000 năm qua.
Tác động ngày càng tàn khốc của biến đổi khí hậu cũng khiến các vụ cháy rừng trở nên tồi tệ. Ở Canada trong mùa hè này đã chứng kiến nạn cháy rừng xảy ra ở diện tích kỷ lục, lên tới 45 triệu mẫu đất (tương đương 182 triệu km2).
Kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 1989 với 19 triệu mẫu (76,8 triệu km2) đất rừng bị thiêu rụi.
Tác động của biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn ở Châu Mỹ, mà còn ảnh hưởng đến các khu vực thường không có khí hậu cực đoan.
Điển hình là khu vực đông bắc Trung Quốc đã hứng chịu lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng, khiến hơn 1 triệu người ở các tỉnh Phúc Kiến, Hà Bắc, Thiên Tân... phải di dời.
Hồi đầu tháng 10, mưa lớn xảy ra ở Ấn Độ, cụ thể là ở bang Sikkim, gây ra tình trạng lũ quét, cuốn trôi cầu và đường xá. Thành phố Derna của Libya cũng chịu chung số phận khi xảy ra một cơn bão lớn ở Địa Trung Hải.
"Sự sống trên hành tinh của chúng ta rõ ràng đang bị đe dọa", William Ripple, nhà sinh thái học tại Đại học bang Oregon, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
"Các xu hướng thống kê cho thấy những mô hình đáng báo động, được thể hiện thông qua biến số và trường hợp xảy ra thảm họa cụ thể liên quan đến khí hậu".
Ở một khía cạnh khác, Ripple cũng nhấn mạnh rằng nghiên cứu tìm thấy rất ít tín hiệu tích cực cho thấy việc nhân loại có thể chống lại biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cho biết con người đang đẩy các hệ thống sinh quyển trên Trái Đất vào tình trạng "bất ổn, nguy hiểm".
Cụ thể vào cuối thế kỷ này, họ dự đoán rằng khoảng 1/3-1/2 dân số thế giới (tương đương 3-6 tỷ người) có thể bị đẩy ra khỏi "khu vực có thể sống được". Điều này nghĩa là họ có thể phải hứng chịu nắng nóng khắc nghiệt và nguồn lương thực bị khan hiếm.
Các nhà khoa học cũng cho rằng nhân loại đang khai thác quá nhiều từ Trái Đất, và các chính trị gia phải khẩn trương đấu tranh để có các chính sách giải quyết vấn đề này.
Có như vậy mới giúp chúng ta nắm được cơ hội để sống sót sau những thách thức lâu dài của biến đổi khí hậu.
Theo www.space.com
(Theo: mtcnx.com)